LỊCH SỬ NHÀ BIA YÊN DƯỠNG-XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG
Ngày 24 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày mà nhân dân xã Hồng Thái Đông tổ chức tưởng niệm 127 người dân vô tội bị giặc Pháp giết hại trong trận càn năm 1949, thường thì Lễ cầu siêu được tổ chức tại Nhà bia từ ngày hôm trước, ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Người dân làng Yên Dưỡng gọi ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày "Giỗ làng".“Nhà bia yên dưỡng”. Một cái tên nghe tưởng như vô tình nhưng rất đỗi thương tâm, nơi ghi dấu ấn một sự kiện lịch sử của một vùng quê huyện Đông Triều trong cuộc kháng chiến chống Thực dân pháp xâm lược, đây là nơi ghi lại tội ác thực dân khi sát hại 127 người dân vô tội trong một trận càn năm 1949.
Ngày 8 tháng 5 năm 1949, (Âm lịch là ngày 22 tháng 4 năm kỷ sửu). Giặc Pháp đã mở cuộc càn quét lớn vào thôn Yên Dưỡng và thôn Thượng Thông, đánh phá cơ sở cách mạng, tàn phá xóm làng, uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân. Những người bị giặc Pháp giết hại trong trận càn là những ông già, bà già, phụ nữ, trẻ nhỏ, họ bị lùa đến khu vực giếng làng thôn Yên Dưỡng, chúng dùng lưỡi lê đâm chết tại chỗ 5 cụ già, đó là các cụ: Cụ Nguyễn Văn Tải, cụ Lê Văn Nhờ, cụ Lê Văn Mễ, cụ Tô Văn Bất, cụ Lê Văn Mẫn, sau đó chúng điên cuônhg xả súng vào những người dân vô tội, lấy đi sinh mạng của 127 con người.
Trong trận càn làng, địch đã đốt phá gần 80 hộ gia đình, khiến cho nhiều người không còn tấm áo, cái quần để mặc, lương thực, dụng cụ gia đình bị tàn phá hết, thậm chí cái bát, cái nồi nấu cơm không còn, một số hộ gia đình có nhiều người chết là: Gia đình cụ Lê Văn Mễ chết 10 người; gia đình ông Nguyễn Văn Quýnh chết 09 người, gia đình cụ Phạm Văn Hồng chết 07 người. Đặc biệt có gia đình ông Nguyễn Văn Trù đã có 01 bà vợ và 03 con trai nhỏ đều bị chết, ông Trù đã hoá điên, dại. Gia đình ông Đỗ Văn Bỉnh có 01 vợ và 03 con cũng đều bị địch bắn chết. (Sau vụ tàn sát đẫm máu của địch, ông Bỉnh đã tự nguyện gia nhập Bộ đội Cụ Hồ để trả thù nhà, đến nợ nước, ông Bỉnh đã hy sinh tại chiến trường và được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sỹ chống Pháp).Tại hiện trường xung quanh giếng nước, bọn địch đã lấy hết các bao thắt lưng của các bà, các chị, lục soát để lấy tiền. Những bao thắt lưng đó đủ các màu và dính máu đỏ, chúng đã cuộn lại thành từng bó vứt vào giếng nước toàn màu máu đỏ. Khi rời khỏi hiện trường, bọn địch còn cài lại mìn nổ chậm xung quanh xác chết bên bờ giếng nước và các ngả đường vào các xóm ngõ trong làng, hòng gây thêm tội ác, khi cán bộ và du kích xã về làng chôn cất các tử thi..
Trong số bà con và trẻ thơ bị địch bắn chết, may mắn còn sống sót 3 người là chị Lê Thị Nhít lúc đó 6 tuổi, bị bắn gãy chân, chị Nguyễn Thị Sắn 6 tuổi bị đạn bắn sượt đầu và anh Phạm Văn Thường lên 7 tuổi bị đạn bắn vào bụng nhưng không chết. Ba người sống sót nói trên, ngay tối đêm ngày 22 tháng 4 năm Kỷ Sửu đã được đội du kích xã và bà con thôn xóm đưa sang thôn Tân Yên để cứu chữa.. Anh Thường ngày nay đã thành bậc ông già ở độ tuổi 70. Trong quá trình tham gia công tác cách mạng, ông Thường đã đi bộ đội, trở thành Đảng viên, là thương binh, đã từng giưc chức vụ phó Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Thái năm 1984 - 1986.
Để ghi lại sự kiện tàn sát đẫm máu của giặc Pháp năm 1949 đối với người dân làng Yên Dưỡng. Thân nhân các gia đình có người thân bị giết, cùng các bậc cao niên của làng đã cùng nhau tổ chức vận động bà con trong thôn xóm, người góp của, người góp công và được sự hỗ trợ của UBND huyện Đông Triều, năm 1993 đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ tới 127 người dân vô tội đã anh dũng hy sinh trước sự đàn áp dã man của giặc Pháp. Nhà bia tưởng niệm được xây dựng gần 2 miếu thờ vị Thành Hoàng của làng và một miếu thờ Mẫu. Đây không chỉ là chứng tích ghi tội ác của thực dân pháp đối với dân làng Yên Dưỡng mà Nhà bia Yên Dưỡng còn là công trình văn hoá có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc, đối với các thế hệ người dân xã Hồng Thái Đông.
Ngày nay, ngày 24 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày mà nhân dân xã Hồng Thái Đông tổ chức tưởng niệm 127 người dân vô tội bị giặc Pháp giết hại, thường thì Lễ cầu siêu được tổ chức tại Nhà bia từ ngày hôm trước, ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Người dân làng Yên Dưỡng gọi ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày “Giỗ làng”.
Tuy Nhà bia Yên Dưỡng được xây dựng đơn sơ, đang tiếp tục được nâng cấp, tôn tạo, hàng năm vào ngày “Giỗ làng”, mỗi người dân tới đây đều muốn thắp một nén nhang thơm để cầu mong cho những linh hồn vô tội thanh thản siêu thoát.
Nhà bia Yên Dưỡng, nằm cách trục đường 18A khoảng 500m. Nơi đây cuộc sống của người dân được cải thiện, từng ngày nhà cao tầng mọc thêm, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Ba trường của 3 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS xã Hồng Thái Đông đang đi vào chuẩn và đạt chuẩn Quốc gia. Các thế hệ học trò của Hồng Thái Đông vẫn biết lịch sử “Nhà bia Yên Dưỡng’. Ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng đều đến nơi đây để thắp một nén nhang thơm tưởng nhớ, thấm đậm cảm giác thương tâm, như tiếng nức nở của đời sau khi nghe hai tiếng “Giỗ làng”
Lê Hồng Ngân (ST)
- TRƯỜNG THCS HỒNG THÁI ĐÔNG TỔNG KẾT NĂM HỌC 2012-2013. BÀN GIAO HỌC SINH HOẠT ĐỘNG HÈ VỀ ĐỊA PHƯƠNG
- TTHTCĐ ĐÔNG TRIỀU GIAO BAN THÁNG 5 NĂM 2013
- NHỮNG “CHUYẾN ĐÒ” QUA ĐƯỜNG
- CÁC TRƯỜNG HỌC XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG - CHUNG TAY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- LỚP HỌC KỸ THUẬT GIEO CẤY GIỐNG LÚA THUẦN QR1, QR2 NĂM 2012 XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG
- PHONG TRÀO XÂY DỰNG CƠ QUAN VĂN HÓA
- LỄ ĐÓN NHẬN CƠ QUAN VĂN HÓA XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG
- Hội nghị tổng kết công tác khuyến học xã Hồng Thái Đông năm 2012
- Hội nghị sơ kết Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)
- Kỳ họp thứ 5, khóa VII, nhiệm kỳ 2011-2016
- TỔNG KẾT ĐẢNG BỘ XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG NĂM 2012
- ĐẢNG BỘ XÃ HỒNG THÁI ĐÔNG TỔ CHỨC LỄ TRAO HUY HIỆU 30-40 NĂM TUỔI ĐẢNG
- Hội nghị tổng kết An ninh Quốc phòng xã Hồng Thái Đông năm 2012
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ LÀNH MẠNH
- Hội cha mẹ học sinh trường THCS Hồng Thái Đông
